Ung thư thanh quản là loại ung thư đầu cổ có số lượng bệnh nhân đứng
hàng thứ hai trong số những bệnh ung thư đầu cổ (sau ung thư vòm). Hằng
năm, chỉ tính riêng khoa khối u của Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương,
số bệnh nhân ung thư thanh quản mới được phát hiện lên tới 600 người.
Ung thư thanh quản là khối u ác tính xuất phát từ trong lòng thanh quản (gồm 3 tầng) hoặc ở vùng bờ thành của thanh quản.
Khi khối u lan rộng vào hạ họng thì còn được gọi là ung thư thanh quản hạ họng.
Người nào dễ bị ung thư thanh quản?
Ung
thư thanh quản đa phần gặp ở nam giới. Nếu có 100 bệnh nhân ung thư
thanh quản được chẩn đoán thì có tới 95 đối tượng là nam giới. Người ta
cho rằng hút thuốc là một trong những yếu tố thuận lợi để hình thành
một ung thư thanh quản. Sự phối hợp giữa thói quen uống rượu và hút
thuốc lá làm yếu tố nguy cơ mắc ung thư thanh quản tăng hẳn lên.
Yếu
tố nghề nghiệp cũng tham gia làm tăng khả năng bị ung thư thanh quản,
nhất là những người làm việc trong nhà máy hóa chất, mỏ có nikel,
amiante, chrome…
Bên cạnh đó, những nhiễm trùng vùng răng miệng,
tai mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, vitamin, viêm thanh quản mạn
tính cũng được kể đến như là vai trò của các yếu tố thuận lợi do làm
biến đổi tình trạng bình thường của lớp niêm mạc biểu mô trụ có lông
chuyển và có các tuyến chế tiết. Tình trạng sừng hóa niêm mạc thanh
quản (kératore), bạch sản (leucoplasie), u nhú (papillome) của dây
thanh được coi là tình trạng tiền ung thư vì có khoảng 15 - 40% số
trường hợp này diễn biến thành ung thư thanh quản.
Tuổi thường
gặp từ 40 - 69. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây cũng phát hiện được những
bệnh nhân ung thư thanh quản khi tuổi đời mới 22.
Ung thư thanh
quản biểu hiện điển hình là khàn tiếng. Triệu chứng này thường không
ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của người bệnh, vì thế họ chủ quan nên ít
khi đi khám ở giai đoạn sớm. Giọng nói của người ung thư thanh quản
khàn, cứng, kéo dài dai dẳng và tăng dần. Điều trị nội khoa không đỡ,
cứ tăng tới mức độ nói rất khàn, rè, nói mệt và kèm các dấu hiệu khác ở
giai đoạn muộn: ho khan, rồi ho khạc đờm nhày lẫn máu. Đau vùng cổ,
trước thanh quản, có thể đau lan lên tai. Khó chịu ở họng, cảm giác như
có dị vật. Khi khối ung thư đã quá to gây khó thở thanh quản. Khi khối
u lan ra ngoài thanh quản đến hạ họng gây nuốt vướng, nghẹn, đau, nuốt
tắc. Một số bệnh nhân có hạch cổ giữa.
Nhìn, sờ vùng trước thanh quản, sụn giáp ở giai đoạn lan rộng ra trước thấy cứng như mai rùa và mất lọc cọc thanh quản cột sống.
Khám toàn thân tìm tình trạng nhiễm độc của ung thư hay có kèm khối u thứ 2.
Thăm
khám thanh quản chú ý các tổn thương sùi, loét hay thâm nhiễm sừng hoá,
bạch sản trắng của dây thanh và sự di động của sụn phễu. Khi khối u lan
rộng ra hạ họng - được gọi là ung thư thanh quản hạ họng.
Điều trị
- Giai đoạn sớm: Cắt dây thanh.
-
Giai đoạn muộn: Cắt thanh quản bán phần hoặc cắt thanh quản toàn phần;
Phẫu thuật nạo vét hạch cổ kèm theo; Tia xạ hậu phẫu; Điều trị hoá chất
phối hợp.
Chú ý nâng cao thể trạng và tình trạng miễn dịch chung.
Những bệnh nhân bị ung thư thanh quản bao giờ cũng hỏi thầy thuốc một
câu “Liệu bệnh tình của tôi sẽ thế nào?”. Để trả lời câu hỏi này, người
thầy thuốc phải biết được giai đoạn của bệnh, phụ thuộc vào chọn lựa
phương pháp điều trị đúng, triệt để và phụ thuộc vào khả năng tự chống
đỡ bệnh của bản thân mỗi người.
Nếu ung thư thanh quản được phát
hiện sớm thì tiên lượng sống sau 5 năm của người bệnh có thể đạt trên
70%. Tiên lượng xấu khi xuất hiện ung thư thứ 2. Giai đoạn muộn: bệnh
nhân có thể bị suy kiệt, nhiễm độc bởi ung thư.
Tư vấn ở cộng
đồng: Với những bệnh nhân nam trên 40 tuổi, khàn tiếng kéo dài trên hai
tuần mà không giảm khi điều trị bằng thuốc, cần đi khám bệnh tại cơ sở
tai mũi họng để loại trừ ung thư thanh quản. Với những trường hợp được
chẩn đoán là u nhú, bạch sản hoặc papilom thanh quản ở những người trên
40 tuổi, phải thăm khám định kỳ theo hẹn (6 tháng/lần) nhằm phát hiện
sớm ung thư thanh quản.
Cần chú ý tâm lý người dân sợ ung thư nên có khi lẩn tránh không đi khám sớm hoặc từ chối các phương pháp điều trị.