Viêm xoang là bệnh khá phổ biến ở nước ta, bệnh thường kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và sức lao động.
Tuy
nhiên, nhiều người còn coi thường, tự ý điều trị mà không biết rằng
viêm xoang có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị
đúng cách.
Xoang là những khoang rỗng nằm trong khối xương sọ
mặt. Các xoang có chức năng làm nhẹ khối xương sọ, làm ấm, làm ẩm và
lọc không khí đi vào khoang mũi. Các xoang đều có đường thông vào hốc
mũi.
Xoang bình thường khi lỗ thông mũi không bị nghẽn. Được gọi
là viêm xoang cấp khi triệu chứng xuất hiện trong thời gian ngắn, dưới
bốn tuần; viêm xoang mạn là khi triệu chứng kéo dài trên 12 tuần.
Vì đâu ta viêm xoang?
Mọi
tác nhân gây phù nề trong xoang hay cản trở dẫn lưu chất tiết ra khỏi
xoang đều có thể gây viêm xoang. Tác nhân gây viêm xoang cấp tính
thường gặp nhất là siêu vi. Xoang viêm do siêu vi có thể tự hồi phục
trong vòng hai tuần.
Hầu hết trong cơ thể mỗi chúng ta đều có
hàng triệu vi trùng cư trú trong đường hô hấp trên, những vi trùng này
vô hại, nhưng khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm hoặc dẫn
lưu xoang bị cản trở do cảm lạnh nhiễm siêu vi và một số nguyên nhân
khác, vi khuẩn sẽ phát triển gây ra viêm xoang.
Nhiều tác nhân
khác như thay đổi về nhiệt độ hay áp suất không khí khi đi máy bay hoặc
lặn dưới biển cũng gây viêm xoang. Dị ứng có thể gây viêm xoang. Sử
dụng thuốc xịt thông mũi quá nhiều, hút thuốc lá, bơi lặn cũng làm tăng
nguy cơ viêm xoang.
Người bị polyp mũi, vẹo vách ngăn mũi hoặc
VA (sùi vòm họng) phì đại cản trở dẫn lưu xoang cũng dễ viêm xoang. Đôi
khi, nhiễm nấm cũng có thể gây viêm xoang ở những người giảm khả năng
miễn dịch hoặc dị ứng với nấm. Có trường hợp viêm xoang là hậu quả của
sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên.
Dấu hiệu giúp phát hiện bệnh sớm
Đau
là triệu chứng thường gặp nhất của viêm xoang. Tuỳ thuộc vị trí xoang
bị viêm mà vị trí đau thay đổi: đau vùng trán, đau vùng má hay hàm
trên, đau sau hốc mắt, đau ở đỉnh đầu. Cơn đau tăng khi bệnh nhân
nghiêng người về phía trước.
Bệnh nhân cũng thường bị nghẹt mũi,
chất tiết mũi trở nên đặc và đục, ho vì nước mũi chảy xuống họng gây
ngứa. Tuỳ theo tình trạng viêm mà bị nghẹt một hay cả hai bên mũi,
nghẹt từng lúc hay liên tục, có khi mất khứu giác. Người bệnh có thể
sốt, đau nhức, mệt mỏi, đau răng, ngủ không yên giấc…
Để chẩn
đoán viêm xoang, bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử, triệu chứng và thăm khám.
Nếu người bệnh thấy đau khi bị ấn vào các điểm xoang, nhiều khả năng đã
bị viêm xoang. Bác sĩ có thể thực hiện nội soi mũi xoang hay cho bệnh
nhân làm một số xét nghiệm như chụp cắt lớp điện toán (CT) xoang, các
xét nghiệm về dị ứng.
Điều trị đúng có thể cải thiện hiệu quả
Nguyên
tắc điều trị xoang là làm xoang dẫn lưu tốt, kiểm soát hoặc loại trừ
nguồn gốc của tình trạng viêm, làm giảm cơn đau. Bệnh nhân phải tuân
thủ đúng liều lượng thuốc, thời gian điều trị, cũng như lời khuyên bác
sĩ. Nên uống nhiều nước giúp làm loãng chất tiết, dùng nước muối sinh
lý rửa mũi, xông mũi bằng hơi nước nóng, đắp khăn nước ấm lên mặt cũng
có thể làm dịu cơn đau…
Sử dụng thuốc: các thuốc chống nghẹt mũi
(dạng viên uống hiệu quả nhanh nhưng có một số tác dụng phụ như tăng
huyết áp, nhịp tim, nên cần dùng theo chỉ định bác sĩ; các thuốc dạng
xịt tại chỗ gồm oxymetazoline hay phenylephrine không có tác dụng phụ
này nhưng nếu dùng quá thường xuyên, có thể gây nghẹt mũi bù trừ, dãn
mạch và viêm mũi); các thuốc chống dị ứng (kháng histamin, có tác dụng
trong dị ứng và khi bị sổ mũi do cảm lạnh, nhưng cần thận trọng vì làm
khô mũi quá mức khiến chất nhầy không thoát ra được); các thuốc giảm
đau (như aspirin hay acetaminophen giúp giảm đau đầu và đau do xoang);
kháng sinh (bác sĩ sẽ quyết định loại nào phù hợp nhất cho bệnh nhân).
Ngoài
ra, bác sĩ có thể kê toa các thuốc kháng viêm có chứa corticosteroid
xịt mũi, đặc biệt khi bệnh nhân bị dị ứng hay viêm xoang dai dẳng, và
cũng có thể súc rửa xoang bằng phương pháp Proetz.
Cần cảnh giác
một số thuốc tễ hoặc dạng bột chữa viêm xoang không rõ nguồn gốc có thể
chứa corticosteroid, dùng lâu ngày có nhiều tác dụng phụ như tăng cân
bất thường, tăng huyết áp, loãng xương, đái tháo đường, tăng nguy cơ
nhiễm trùng, đục thuỷ tinh thể, chậm lành vết thương, lệ thuộc thuốc…
Phẫu
thuật: đôi khi phẫu thuật là điều trị thay thế duy nhất để ngăn ngừa
viêm xoang mạn tính, như nạo VA, cắt bỏ polyp mũi, chữa vẹo vách ngăn…
Phổ biến hiện nay là phẫu thuật nội soi chức năng xoang, trong đó lối
thông tự nhiên từ xoang được mở rộng cho phép dẫn lưu dịch tiết. Nếu
nguyên nhân viêm xoang là dị ứng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn cách
phòng tránh các yếu tố gây dị ứng.
Nên lưu ý thêm, viêm xoang có
thể dẫn đến các biến chứng ở đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm họng
mạn tính, viêm thanh quản, khí phế quản; biến chứng ở mắt như nhiễm
trùng ổ mắt, viêm thần kinh thị giác; biến chứng sọ não như viêm tắc
tĩnh mạch xoang hang, viêm não, viêm màng não. Khi người bệnh viêm
xoang bị sốt cao, đau đầu nghiêm trọng, đau mắt hay giảm thị lực, cần
kịp thời đi khám bác sĩ.
Để phòng ngừa viêm xoang
Dù
không thể ngăn ngừa tất cả các bệnh lý mũi xoang cũng như các đợt cảm
lạnh hoặc nhiễm khuẩn, nhưng có thể áp dụng các biện pháp nhất định để
giảm số lần, độ nặng cũng như ngăn ngừa viêm xoang cấp trở thành mạn
tính:
Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi thích hợp, chế độ
ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và luyện tập để duy trì sức đề kháng chung
chống nhiễm trùng. Giữ sạch môi trường xung quanh, tránh xa khói thuốc
lá, bụi và các chất ô nhiễm. Đeo khẩu trang khi ra đường và làm việc
nơi có nhiều bụi bặm, hoá chất… Vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên.
Tránh uống rượu vì có thể làm viêm xoang nặng hơn.
Thường xuyên vệ sinh mũi khi bị cảm cúm, tiếp xúc khí lạnh.
Cần điều trị các tác nhân gây viêm mũi xoang như cúm, sởi, polyp mũi, nạo VA, vẹo vách ngăn mũi, trám – nhổ răng sâu.
Không tự ý sử dụng các thuốc xịt thông mũi kéo dài mà không có ý kiến bác sĩ.