1. "Giáo sư Phan Ngọc đã viết một công trình trên một nghìn trang sách với nhan đề "Đỗ Phủ nhà thơ dân đen" :
"Đỗ Phủ (712-770) là nhà thơ hiện thực lớn nhất đời Đường, được ngợi ca là "Thi thánh" để lại khoảng 1400 bài thơ mang phong cách nghệ thuật độc đáo.
Thi hào dân tộc Nguyễn Du rất ngưỡng mộ Đỗ Phủ:
"Thiên cổ văn chương, thiên cổ sư
Bình sinh bội phục vị thường li"
(Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương)
Câu thơ trên nghĩa là: Văn chương lưu truyền muôn đời, là bậc thầy muôn đời. Bình sinh ta khâm phục, chưa từng xa rời ông.
Qua đó ta thấy Đỗ Phủ vô cùng vĩ đại.
2. Thơ Đường cũng như thơ Đỗ Phủ nói về đề tài mùa thu vừa nhiều vừa hay. Bài thơ "Thu hứng" này nằm trong chùm thơ 8 bài. Bản dịch của Nguyễn Công Trứ đã được lưu truyền gần hai thế kỷ nay, được xem là một bản dịch xuất sắc.
4. Chủ thể : Nỗi lòng của thi nhân - kẻ tha hương trước cảnh sắc trời thu.
II. Phân tích
1. Cảnh thu
"Ngọc lộ" móc ngọc, hình ảnh ẩn dụ nói về hạt móc long lanh như hạt ngọc. "Ngọc lộ" đã làm héo hon, điêu tàn cả một rừng phong bao la. Hình ảnh rừng phong gợi lên một vẻ thu, một sắc thu tiêu điều, buồn bã. Rừng phong là một biểu tượng của mùa thu phương Bắc, là một thi liệu được nói đến nhiều trong thơ cổ, tuy mang tính ước lệ, nhưng rất gợi cảm thi vị:
"Mãn mục giai tình sắc"
(Tương âm dạ)
(Đâu đâu mắt cũng thấy sắc thu)
- " Thu mãn phong lâm sương diệp hồng"
(Nhiếp khẩu đạo trung)
(Giữa thu sương xuống trên rùng phong là đỏ)
Núi Vu, kẽm Vu ở Quỳ Châu mịt mờ khí thu (khí tiêu sâm). Cũng là một nét thu hiu hắt buồn.
Hai câu đầu, hình ảnh ẩn dụ và nhân hoá với 2 cặp từ gợi tả (điêu thương, tiêu sâm). Đỗ Phủ đã làm hiện lên một không gian núi rừng mang một màu sắc buồn thương tàn tạ, hiu hắt. nguyễn Công Trứ đã thay vu Sơn, Vu Giáp bằng 2 chữ "ngàn non" cũng là một sự sáng tạo:
"Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà"
"Kẽm" là khoảng không gian giữa 2 vách núi kề nhau. "Từ điển phổ thông tiếng Việt Văn Tân chủ biên giải thích: "Kẽm là khe núi có sườn dốc đi được". Sách văn 10 giáo viên có gợi ý: "Câu thứ 3 tả riêng cảnh kẽm Vu, và câu thứ tư tả riêng cảnh núi vu. Căn cứ vào chữ "kẽm" như đã trình bày, chúng tôi không nghĩ phần "thực" bài thơ "Thu hứng" này là như thế.
- Câu 3, 4 vẽ tiếp cảnh thu bằng hai hình ảnh vừa dữ dội vừa hoành tráng: Trên dòng sông thu, những đợt sóng cuồn cuộn vọt lên, vỗ lên tận lưng trời. Khắp cửa ải, mây từng lớp từng lớp đùn lên, sa sầm giáp mặt đất. Hình tượng thơ kỳ vĩ, sóng và mây đối nhau, cái hướng về trời cao, cái sa xuống đất để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Một bức tranh thu nói về dòng sông và con sóng, về cửa ải và mây, mang tầm vóc vũ trụ, hoành tráng.
"Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thương phong vân tiếp địa âm"
(Lưng trời sóng rợn, lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải ra).
Hai câu thơ này đã thể hiện sâu sắc những nét cơ bản trong phong cách thơ Đỗ Phủ ở giai đoạn cuối đời: "trầm uất và bi tráng".
Tóm lại, phần đầu bài thơ, cảnh thu từ rừng phong đến Vu Sơn, Vu Giáp, từ dòng sông sóng vỗ, đến cửa ải mây đùn - tất cả đã gợi lên nỗi niềm, bao cảm xúc đối với kẻ tha hương.
2. Nỗi lòng thi nhân
Như ta đã biết, năm 759, Đỗ Phủ từ đời quan, dời nhà đến Tân Châu. Ông phải trải qua 7 năm trời lưu lạc (759-766). Chùm "Thu hứng" 8 bài được viết vào mùa thu năm 766, tại Quỳ Châu. Ngày thu đến, đối cảnh sinh tình, vừa thương đời, vừa thương vợ con, thương mình gian truân, chìm nổi.
Phần 2 bài "Thu hứng" này là nỗi lòng u ẩn của tác giả.
Cúc, dòng lệ, con thuyền lẻ loi (cô chu), vườn cũ, dao thước, tiếng chày đập vải vừa mang tính hiện thực, vừa mang màu sắc ước lệ tượng trưng, rất giàu chất chữ tình. Mùa thu trước, Đỗ Phủ ở Vân An, màu thu này, ông ở Quỳ Châu. Hai mùa thu trôi qua, hai lần nhìn hoa cúc nở, cả hai đều rơi nước mắt: "Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ". Đã bao lần nhà thơ gửi gắm hi vọng được về quê bằng một chiếc thuyền, những chiếc thuyền vẫn bị buộc chặt ở bến sông, nơi đất khách quê người: "Cô chu nhật hệ cố viên tâm". Nói về nỗi nhớ quê nhà, nỗi buồn li hương thì đó là hai câu thơ tuyệt cú. Lời thơ đẫm lệ:
"Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà"
Trời thu phương Bắc càng về chiều càng rét, nhất là những người luống tuổi, đang ốm đau và phải sống xa quê như Đỗ Phủ những năm cuối đời. Nghĩ đến chuyện may áo rét mà lòng thêm sầu thương. Hai chữ "dao thước" (đao xích) trong câu 7 tả ít mà gợi nhiều. Lúc hoàng hôn nơi thành cao Bạch Dế, tiếng chày đập vả dồn dập vang lên (cấp mộ châm) nỗi lòng kẻ li hương càng thêm thổn thức. Tiếng vọng của âm thanh đời thường đã rung lên trong lòng nhà thơ bao cảm xúc bùi ngùi:
"Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm"
(" Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch chày vang bóng ác tà").
Kim Thánh Thán nhà phê bình văn học kiệt xuất đời Thanh viết: "Kẻ không biết thì bảo "lưỡng khai" (nở hai lần) ấy là "tùng cúc" (tùng: khóm, bụi cúc, hoa cúc) đâu biết rằng "lưỡng khai" ấy đều là "tha nhật lệ" (nước mắt ngay sau). Kẻ không biết thì bảo "cô chu" (chiếc thuyền lẻ loi) hà tất phải "nhật lệ" ấy chỉ là "cố viên tâm" (lòng nhớ vườn xưa). Trên chữ "lệ" đặt chữ "tha nhật", tuyệt diệu! Chỉ có chính mình ở cảnh đó thì mới biết được. Câu 7 nói "xứ xứ" (nơi nơi) chính là tiên sinh "buộc lòng" (hệ tâm) vào một nơi (nhất xứ). Bạch Đế Thành ở phía đông Quì Phủ; đây là nói gần để chỉ xa vậy. Trong bụng nghĩ đến "dao thước" (đao xích) trong nhà mà trong tai thì chỉ nghe thấy tiếng "châm" thành Bạch Đế, khách xa nhà vì thế mà rất mực thê lương.
Dưới "châm" mà hạ chữ "thành cao" liền thấy được là tai xa nghe, mắt xa trông nỗi khổ của khách xa nhà vì đó mà rât mực thê lương"
Tóm lại, nỗi lòng nhớ quê được biểu hiện một cách rất tinh tế, sâu sắc, cảm động bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật điêu luyện. Cảnh và tình, hiện tại và quá khứ, sự vật và con người, âm thanh và nỗi lòng, gần và xa.... các chi tiết nghệ thuật đã đan chéo vào nhau, hoà nhập vào nhau, để lại nhiều dư ba, chấn động trong lòng người đọc trên một nghìn năm nay, nhất là đối với những kẻ đã trải qua những năm dài li hương, nếm trải nhiều cay đắng.
III.Kết luận
1. Đỗ Phủ từng nói: "Làm người tính thích câu văn đẹp - Đọc chẳng kinh người chẳng chịu thôi" Đọc bài "Thu hứng" này, ta cảm nhận cái hay của áng thơ thất ngôn bát cú, mà mỗi câu, mỗi chữ đều mang cái "thần" của nó, phô diễn cảnh và tình bằng nhiều hình tượng cảm động. Rừng phong phương Bắc trong khí thu mờ, con thuyền lẻ loi vườn xưa với những hàng lệ của kẻ xa quê... làm ta thổn thức và nhớ mãi.
2. Nỗi nhớ quê nhà, ước mơ được trở về vườn cũ, thăm ngôi nhà xưa nơi chôn rau cắt rốn.... không chỉ là tình cảm riêng, ước mơ riêng của Đỗ Phủ mà còn là tình cảm và ước mơ chung của hàng triệu con người trong loạn lạc chiến tranh, xưa và nay... Vì thế, "Thu hứng"chan chứa tình đời có giá trị nhân văn tuyệt đẹp.
---------- Post added at 11:54 AM ---------- Previous post was at 11:54 AM ----------
I / Tác giả, thời đại, văn hoá.
Đỗ Phủ (712 – 770) là một nhà thơ Trung Quốc nổi bật thời nhà Đường.
Cùng với Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc. Tham vọng lớn nhất của ông là có được một chức quan để giúp đất nước, nhưng ông đã không thể thực hiện được điều này. Cuộc đời ông, giống như cả đất nước, bị điêu đứng vì Loạn An Lộc Sơn năm 755, và 15 năm cuối đời ông là khoảng thời gian hầu như không ngừng biến động.
Mặc dù không nổi tiếng từ đầu, những tác phẩm của ông gây ảnh hưởng nhiều đến cả văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản. Ông từng được các nhà phê bình Trung Quốc gọi là Thi sử và Thi thánh.
1) Cuộc đời.
Giống như nhiều nhà thơ Trung Quốc khác, Đỗ Phủ xuất thân từ một gia đình quý tộc (tự cho là dòng dõi vua Nghiêu) đã sa sút. Ông sinh năm 712: không biết rõ nơi sinh của ông, trừ chi tiết nó ở gần Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (huyện Củng cũng có thể là nơi sinh của ông). Sau này ông tự coi mình là người kinh đô Trường An..
Vì là con trai của một học giả-quan lại bậc thấp, thời trẻ ông được tiếp thu nền giáo dục đúng theo tiêu chuẩn thời đó để có thể trở thành một quan lại dân sự sau này: học thuộc lòng các tác phẩm triết học kinh điển Khổng giáo, lịch sử và thi ca. Sau này ông cho rằng mình đã sáng tác một số bài thơ hay ngay từ khi tuổi còn trẻ, nhưng không lưu giữ lại.
Đầu những năm 730 ông đi tới vùng Giang Tô/Triết Giang; những bài thơ đầu tiên của ông, miêu tả một cuộc thi thơ, được cho là đã sáng tác ở cuối thời kỳ này, khoảng năm 735.
Mùa thu năm 744 ông gặp Lý Bạch lần đầu tiên, và giữa hai nhà thơ đã nảy sinh một tình bạn vong niên: Đỗ Phủ còn trẻ tuổi, trong khi Lý Bạch đã nổi tiếng trên văn đàn. Hai ông đã viết nhiều bài thơ về nhau. Họ chỉ gặp lại nhau một lần nữa năm 745.
Loạn An Lộc Sơn xảy ra vào tháng 12 năm 755 và chỉ tan rã hoàn toàn sau tám năm. Nó tàn phá xã hội Trung Quốc: năm 754 nước này có 52.9 triệu người, nhưng tới năm 764 chỉ còn lại 16.9 triệu, số còn lại đã bị giết hoặc bị dời đi. Trong thời gian này, Đỗ Phủ trải qua một cuộc sống trôi nổi, không thể định cư lâu dài ở đâu vì chiến tranh, cũng như nạn đói và sự bạc đãi của triều đình. Tuy nhiên, thời gian không hạnh phúc này khiến Đỗ Phủ trở thành một nhà thơ đồng cảm với những đau khổ, bất hạnh của người dân thường. Thực tế xung quanh, cuộc sống của gia đình ông, những người hàng xóm, những người qua đường– những điều ông nghe thấy và những gì ông hy vọng hay sợ hãi về tương lai– đã trở thành chủ đề chính trong những sáng tác của ông.
Năm 756 Huyền Tông buộc phải thoái vị, bỏ kinh đô tháo chạy. Đỗ Phủ, khi ấy đã rời kinh đô, đưa gia đình tới nơi lánh nạn và tìm đường đi theo triều đình mới của Túc Tông, nhưng trên đường đi ông bị quân nổi loạn bắt đưa về Trường An. Vào mùa thu, con trai út của ông ra đời. Mọi người cho rằng trong khoảng thời gian này Đỗ Phủ đã bị bệnh sốt rét.
Năm sau ông bỏ trốn khỏi Trường An, và được cho giữ chức Tả thập di trong triều đình mới tháng 5 năm 757. Chức vụ này khiến ông có cơ hội gặp gỡ Hoàng đế, nhưng chỉ mang tính nghi lễ. Đỗ Phủ nhanh chóng gặp rắc rối khi ông lợi dụng cơ hội này để dâng thư can gián việc loại bỏ Phòng Quán người bạn và là người bảo trợ của ông chỉ vì một lỗi nhỏ: sau đó tới lượt chính ông bị giam nhưng tới tháng 6 được thả ra. Tháng 9 năm ấy ông được cho phép về gặp gia đình, nhưng nhanh chóng quay lại triều ngày 8 tháng 12, 757. Ông cùng triều đình quay lại Trường An sau khi quân triều đình tái chiếm nó. Tuy nhiên, những lời can gián của ông không hợp với hoàng đế và vào mùa hè năm 758 ông bị giáng cấp làm Tư công tham quân ở Hoa Châu. Mùa hè năm 759 ông lại ra đi; lý do của lần này thường được cho là vì nạn đói nhưng cũng có ý cho rằng ông ra đi vì vỡ mộng. Năm sau đó ông sống sáu tuần tại Tần Châu (hiện nay là Thiên Thuỷ, tỉnh Cam Túc), ở đây ông đã sáng tác sáu mươi bài thơ.
Năm 760 ông tới Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), nơi ông sẽ sống trong năm năm tiếp theo. Tới mùa thu năm đó ông rơi vào cảnh túng quẫn phải gửi thơ tới những người quen biết để cầu xin giúp đỡ. Ông được Nghiêm Vũ, một người bạn và là đồng môn đang làm tổng trấn ở Thành Đô giúp đỡ. Dù vậy đây vẫn là một trong những giai đoạn thanh bình và hạnh phúc nhất của ông, và nhiều bài thơ sáng tác trong thời kỳ này miêu tả lại cuộc sống thanh bình trong "thảo đường" ở đó. Năm 762 ông rời thành phố này để tránh một cuộc bạo loạn, chỉ quay lại vào mùa hè năm 764 và được chỉ định làm Kiểm hiệu công bộ viên ngoại lang, tham gia vào chiến dịch chống lại người Tây tạng.
Quân đội triều đình tái chiếm Lạc Dương, nơi sinh Đỗ Phủ, vào mùa đông năm 762, và vào mùa xuân năm 765 Đỗ Phủ cùng gia đình đi thuyền xuôi sông Dương Tử, với ý định quay về Lạc Dương. Chuyến đi rất chậm, vì tình trạng sức khỏe kém của ông (lúc ấy ông mắc thêm bệnh mắt, điếc và nói chung đã ở tuổi già lại thêm những lo lắng phiền não). Họ dừng lại ở Quỳ Châu (hiện nay là Bạch Đế, Trùng Khánh) trong hai năm cho tới tận cuối mùa đông năm 766. Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ cuối cùng của thơ Đỗ Phủ, và cũng chính ở đây ông đã sáng tác 437 bài thơ đa phần là thơ luật.
Ông mất tại Đàm Châu, ở tuổi 59, trên một chiếc thuyền rách nát…
2) Tư tưởng và tác phẩm.
Từ thời nhà Tống thơ Đỗ Phủ đã được gọi là "thi sử". Vấn đề lịch sử được đề cập trực tiếp trong thơ ông là sự bình luận các sách lược quân sự, các thắng bại của triều đình hay những ý kiến ông muốn đề đạt trực tiếp tới hoàng đế. Một cách gián tiếp, ông viết về ảnh hưởng của thời đại đối với đời sống chính mình cũng như người dân thường Trung Quốc.
Những phản ánh chính trị của Đỗ Phủ dựa trên cảm xúc chứ không dựa trên tính toán. Ông ước ao mọi người bớt ích kỷ và làm tròn bổn phận của mình. Tuy nhiên, do người ta không thể không đồng ý với các quan điểm của ông nên các sự thật được biểu đạt đầy sức thuyết phục trong thơ ông đã khiến ông trở thành một nhân vật trung tâm trong thi sử Trung Quốc.
Một danh hiệu thứ hai mà các nhà phê bình Trung Quốc đặt cho Đỗ Phủ là "thi thánh", ngang hàng với Khổng Tử, vị thánh về triết học. Trong một bài thơ ở thời kỳ đầu tiên của ông, Binh xa hành (khoảng năm 750), đã nói lên nỗi thống khổ của một người bị bắt đi lính trong quân đội triều đình, thậm chí trước khi xảy ra loạn An Lộc Sơn; bài thơ này nói lên sự xung đột giữa việc chấp nhận và hoàn thành nghĩa vụ, và sự ý thức rõ ràng về những đau khổ có thể nảy sinh. Chủ đề này liên tiếp được nhấn mạnh trong những bài thơ về cuộc đời của dân chúng và binh sĩ mà Đỗ Phủ sáng tác trong cả cuộc đời mình.
Dù sáng tác ở mọi thể loại thơ, Đỗ Phủ nổi tiếng nhất ở cận thể thi, một kiểu thơ có nhiều ràng buộc về hình thức và số lượng từ trong câu. Khoảng hai phần ba trong 1.500 tác phẩm hiện còn của ông là ở thể này, và nói chung ông được coi là nhà thơ tiêu biểu cho thể loại này. Những bài thơ đạt nhất của ông trong thể loại dùng phép đối song song để thêm nội dung biểu đạt thay vì chỉ là một quy định kỹ thuật thông thường.
3) Ảnh hưởng.
Sinh thời và ngay sau khi mất, Đỗ Phủ đã không được đánh giá cao, phần vì những đổi mới trong phong cách và hình thức thơ ông. Một số bị coi là quá táo bạo và kỳ cục đối với giới phê bình văn học Trung Quốc. Chỉ một số ít tác giả đương thời có nhắc tới ông và miêu tả ông với tính chất tình cảm cá nhân, chứ không phải như một nhà thơ xuất chúng hay lý tưởng đạo đức. Thơ Đỗ Phủ cũng ít xuất hiện trong những hợp tuyển văn học thời kỳ đó.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông đối với thi ca Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, và tới thế kỷ thứ 9 ông đã trở nên rất nổi tiếng. Những lời ngợi ca đầu tiên dành cho Đỗ Phủ là của Bạch Cư Dị, người đã ca ngợi những tình cảm đạo đức trong một số tác phẩm của Đỗ Phủ. Tới thế kỷ 11, trong giai đoạn Bắc Tống, danh tiếng Đỗ Phủ lên tới cực điểm. Trong thời gian này các nhà thơ trước đó đã được đánh giá lại một cách toàn diện, theo đó Vương Duy, Lý Bạch và Đỗ Phủ lần lượt được coi là đại diện cho xu hướng Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo trong văn hóa Trung Quốc. Cùng lúc ấy, sự phát triển của Tân Khổng giáo đã đặt Đỗ Phủ lên vị trí cao nhất, vì trong cả cuộc đời, ông đã không vì đói nghèo cùng khổ mà quên đi quân vương của mình. Ảnh hưởng của ông càng tăng do khả năng hòa hợp những mặt đối lập: phe bảo thủ chính trị bị thu hút bởi sự trung thành của ông với hệ thống tôn ti trật tự sẵn có, còn phe cải cách nắm lấy mối quan tâm của ông đối với đời sống dân nghèo. Từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, sự trung thành với quốc gia và những quan tâm của ông tới người nghèo đã được giải thích sự phôi thai của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội, và ông được tán dương vì ông đã sử dụng ngôn ngữ giản dị "của nhân dân".
Sự nổi tiếng của Đỗ Phủ lớn tới mức có thể đo được, như trường hợp của Shakespeare ở Anh. Mỗi nhà thơ Trung Quốc đều khó có thể không bị ảnh hưởng từ ông. Không bao giờ có một Đỗ Phủ thứ hai, các nhà thơ sau này tiếp nối truyền thống trong từng khía cạnh cụ thể của thơ ông. Mối quan tâm của Bạch Cư Dị tới dân nghèo, lòng yêu nước của Lục Du, các phản ánh cuộc sống hàng ngày của Mai Nghiêu Thần là một vài ví dụ.