"Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích !".
Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng : “Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích”. Bên cạnh đó còn có những câu : “Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ”. Hoặc : “Bất học bất tri lí” (Không học thì không biết lí lẽ, lẽ phải).
Suốt lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng và chữ viết (sách). Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học, học suốt đời.
Nói đến học là nói đến trí lực, một năng lực suy nghĩ, một trực quan nhạy bén, một tư duy hợp lí. Điều ấy hết sức cần thiết cho tất cả mọi người. Chính vì vậy, ngay từ lúc nhỏ, bất kì ai cũng phải được học hành.
Trong mười hai năm ở trường phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức sơ đẳng của một số bộ môn cơ bản như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ… Tuy thế, học sinh phải chăm chỉ học hành thì mới hiểu và nắm vững kiến thức một cách có hệ thống. Nếu lơ là, chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trong việc học hành thì rốt cuộc là tốn thời gian, tiền bạc mà kết quả thu được chẳng đáng là bao.
Thực tế cho thấy là có học có hơn. Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao. Nếu ta đơn thuần làm việc theo thói quen hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm và chất lượng không tốt. Cách làm như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cung cách làm việc ấy là lạc hậu, lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau.
Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri thức (chất xám) của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Lí thuyết khoa học có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho kĩ năng thực hành, con người sẽ rút ngắn được thời gian mò mẫm, tìm hiểu thực tiễn, do đó sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc.
Học không chỉ là quá trình rèn luyện tri thức mà còn là quá trình rèn luyện tình cảm và đạo đức. Con người ngoài cái trí còn cần có cái tâm. Học là để thấu hiểu những lẽ huyền bí của cuộc đời, của vũ trụ chứa đựng trong những công thức toán đơn giản hoặc trong những quy luật thịnh suy của một xã hội. Không hòa cái tâm của mình vào trong cuộc đời, vào vũ trụ để lắng tìm và cảm nhận thì làm sao có được những tín hiệu mách bảo cho trí tuệ con đường đi tới những lẽ huyền diệu và bí ẩn kia ?. Như vậy là có biết bao kién thức mới, nhận thức mới về cuộc đời, về thế giới mà chúng ta tìm kiếm được không chỉ bằng lí trí mà còn bằng cả tâm hồn.
Học cần có cái trí và cũng có cần có cái tâm là vì thế. Học cũng là để sáng thêm cái trí, lành thêm cái tâm và để đóng góp tài đức của mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu.
Điều quan trọng là đã học thì phải học đều các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Văn, Sử là những môn học cần thiết, nếu không nói là đặc biệt quan trọng để tạo nên nhân cách. Nếu chúng ta không coi trọng các môn này thì tâm hồn sẽ khô cứng, vô cảm trước con người và cuộc đời mà dẫn đến thái độ dửng dưng trước vẻ đẹp phong phú và sự giàu có của lịch sử văn hóa dân tộc.
Sẽ không ai trách chúng ta khi chỉ thích học Tin học, Kinh tế, Ngoại ngữ… Nhưng nếu chỉ giỏi chữ số mà quên chữ viết, giỏi kĩ thuật mà kém văn hóa thì sẽ là thiệt thòi lớn cho mỗi con người.
Việc học hành quan trọng như vậy, do đó chúng ta không thể coi nhẹ vai trò của việc học hành. Đúng là : “Nếu không có học hành đến nơi đến chốn thì lớn lên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích”.
Hiện nay, một số bạn trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự thành công hay thất bại của đời người. Nhận thức lệch lạc thường dẫn đến hành động sai lầm. Bỏ học đi chơi, giao du với những thành phần bất hảo để rồi bị rủ rê, sa ngã vào con đường cờ bạc, chơi bời, hút chích… dần dần những người đó sẽ đánh mất nhân cách, mất khả năng làm việc và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một cuộc sống như thế không đáng gọi là cuộc sống của một con người chân chính. Đến lúc nào đó tỉnh ngộ, dẫu có ăn năn, hối hận thì cũng đã muộn màng.
Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở và cuộc đời nếu đem áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều thành quả tinh thần, vật chất cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.
Tri thức loài người mênh mông như biển cả (“Bể học vô bờ”). Dẫu chúng ta có miệt mài học suốt cuộc đời thì cũng chỉ là tiếp thu được một phần rất nhỏ. Bác Hồ dạy : “Học ở trường, học trong sách vở; học lẫn nhau và học ở dân”. Lenin cũng từng khuyên thanh niên : “Học ! Học nữa ! Học mãi !”. Đó là những lời khuyên chí lí, có giá trị đối với mọi thời đại. Nếu không coi trọng việc họ thì chúng ta sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đất nước trong giai đoạn mới.