Không mang nét cổ kính rêu phong như Hà nội ngàn năm văn hiến, không có sự yên tĩnh thâm trầm và thơ mộng như Cố Đô Huế, thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trẻ trung và hiện đại mới 310 năm tuổi. Nhưng trong lòng thành phố đã chứa đựng biết bao giá trị văn hoá nhân văn, văn hoá lịch sử được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hoá khác nhau trên nền tảng bản sắc văn hoá dân tộc.
Đến với thành phố, vào bất cứ lúc nào bạn cũng cảm nhận được sự năng động, sự thay da đổi thịt hàng ngày. Là cửa ngõ của Đất Phương Nam, ngay tại trung tâm thành phố, từ bến Bạch Đằng bạn có thể xuống thuyền xuôi theo sông Sài Gòn để được hòa mình với thiên nhiên bao la của sông nước, hướng về những làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái xum suê, vườn cây kiểng, chợ nổi trên sông hay khu du lịch sinh thái Cần Giờ..., tất cả sẽ đem đến cho bạn những khoảnh khắc thật khó quên.
Những nụ cười, những ánh mắt thân ái của người dân Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ chờ đón bạn.
THÀNH PHỐ 310 NĂM TUỔI
Nhà thờ Đức Bà xưa và nay
Thành phố Hồ Chí Minh khi xưa là một khu vực của Vương quốc Phù Nam (thế kỷ 1 đến thế kỷ 7), rồi đến Chân Lạp (thế kỷ 8 đến thế kỷ 17) có tên gọi là Prey Nokor. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào thiết lập chính quyền tại khu vực này. Kể từ thời điểm đó, khu vực Gia Định đã trở thành lãnh thổ của Đàng Trong. Trong thời kỳ quân Tây Sơn tấn công Nguyễn Ánh, khu vực Cù Lao Phố (Tp.Biên Hòa) sầm uất của người Hoa bị tàn phá, người Hoa đã chuyển qua lập phố chợ buôn bán ở Chợ Lớn. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, chính quyền thực dân đã quy hoạch thành phố Sài Gòn làm thủ phủ Nam Kỳ và đã phát triển nơi này thành một thương cảng phục vụ cho xuất nhập khẩu của chính quyền thuộc địa. Từ năm 1956, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa, thành phố đã được nâng cấp phát triển và bùng nổ dân số. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 Việt Nam thống nhất và đến năm 1976 thì thành phố Sài Gòn được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà hát thành phố
Từ rất sớm, nơi đây đã trở thành trung tâm thương mại sầm uất, giao lưu với nước ngoài rất nhộn nhịp, là nơi phát triển mạnh các nghề thủ công mỹ nghệ, và là nơi tiếp xúc sớm nhất kỹ thuật của Châu Âu. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm công nghiệp, văn hoá, khoa học kỹ thuật, trung tâm giao dịch quốc tế, một đầu mối giao thông quan trọng, một trung tâm du lịch và là một trong ba thành phố lớn của Việt Nam.
NƠI HỘI TỤ VĂN HOÁ ĐÔNG - TÂY
Quang cảnh chùa Giác Lâm
Do ảnh hưởng của quá trình hình thành và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá: có nền văn hoá mang dấu ấn của người Việt Nam, Hoa, Chăm, Khơ me, Ấn…, rồi Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hoá Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước.
Cùng là sự hội tụ tinh hoa của nhiều nguồn văn hoá, nhưng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội lại có sự khác biệt rõ rệt. Nếu Hà Nội là một đô thị mang tính hướng nội, văn hoá Hà nội là sự chắt lọc tinh hoa văn hoá của mọi miền đất nước thì văn hoá TP Hồ Chí Minh vừa mang trong mình gam màu đa sắc hiện đại hướng ngoại, lại vừa kín đáo, gìn giữ được những dấu xưa trầm tích trong từng góc phố, từng mái nhà và trong nếp sinh hoạt của người dân.
Một trong những nét văn hoá đập ngay vào cảm xúc của chúng ta khi chiêm ngưỡng thành phố trẻ này, đó là một diện mạo kiến trúc khá sinh động, phong phú lại rất bản sắc
Những công trình kiến trúc của TP. Hồ Chí Minh mang “ cơ cấu kiến trúc Việt- Hoa- Châu Âu”. Phong cách kiến trúc truyền thống cũng như những công trình điêu khắc đậm đà bản sắc dân tộc còn được bảo lưu là chùa Trường Thọ, chùa Từ Ân và quy mô nhất là chùa Giác Lâm, kế đó là chùa Giác Viên, chùa Gò ( Phụng Sơn Tự) và một số ngôi nhà cổ ở rải rác các huyện ngoại thành.
Nơi đây ngoài các công trình của người Việt, còn có các công trình xây dựng của người Hoa. Những công trình lớn của người Hoa là đền miếu-thường là trụ sở của các bang và được gọi là Hội quán-đã làm cho diện mạo phố xá của xứ này, nhất là vùng Chợ Lớn có vẻ riêng. Kiến trúc thời Pháp cũng để lại nhiều công thự đẹp, hài hòa với cảnh quan, trở thành một nét thanh lịch riêng của thành phố. Các công thự này rất đa dạng, gồm từ trụ sở các cơ quan hành chính của thành phố cho đến các bảo tàng, nhà hát, trường học,… thuộc khá nhiều trường phái và phong cách nghệ thuật khác nhau. Không ít những chi tiết của nghệ thuật Việt, Chăm, Khmer đã được đưa vào trang trí. Đặc biệt có những công trình kết hợp hài hòa kiến trúc phương Tây với những yếu tố bản địa thành một phong cách riêng gọi là kiến trúc Đông Dương, điển hình như Nhà Rồng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hay trường Lê Hồng Phong…
Trẻ trung và hiện đại, nhưng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh lại là nơi phổ biến chữ quốc ngữ đầu tiên, là nơi ra báo đầu tiên của cả nước. Điều này làm nảy sinh sớm một nền văn học quốc ngữ ở nơi đây. Từ thế kỷ 19, 20, văn học quốc ngữ đã có một cơ sở vững vàng với hàng loạt tác phẩm được xuất bản với nhiều dạng: từ dịch thuật đến sưu tầm, nghiên cứu; từ sáng tác thơ đến truyện và tiểu thuyết viết theo lối phương Tây; từ lối viết du ký, hồi ký đến soạn các kịch bản hát bội…và phát triển rất mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay.
Một nét văn hoá cũng rất nổi tiếng tại thành phố này chính là nghệ thuật ca nhạc cổ. TP Hồ Chí Minh nổi tiếng với những bài đờn ca tài tử, cải lương mùi mẫn lay động tâm hồn những ai đã từng thưởng thức. Âm nhạc truyền thống của TP Hồ Chí Minh phát triển trong sự trưởng thành chung của âm nhạc cổ Nam Bộ. Đặc điểm riêng của nó thu thập hầu như toàn bộ những thành tựu và tài năng âm nhạc của lục tỉnh (Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho, Cần Đước và các tỉnh miền Đông). Trong những năm 1954, ở đây lại du nhập thêm nhiều nhóm nhạc miền Bắc, miền Trung (đặc biệt là nhạc cổ Huế). Bên cạnh đó, nhạc cổ thành phố, đặc biệt là cải lương cũng đã tiếp nhận nhạc Phương Tây và nhạc Trung Quốc một cách chọn lọc để làm nên một nền nghệ thuật đặc sắc, phong phú và đa dạng như ngày nay.
Đờn ca tài tử
Nhắc đến văn hoá của một vùng đất, không thể không nói đến văn hoá ẩm thực bởi ẩm thực chính là thước đo sự tinh tế của người dân nơi đây. Ở TP Hồ Chí Minh có cái tấp nập của cuộc sống hối hả kiểu Mỹ, có những góc phố mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp và những dãy phố Tàu đặc trưng của vùng Chợ Lớn… nên thành phố đã tiếp nhận thêm các dòng ẩm thực của cả nước và thế giới, chọn lọc tinh hoa thành một nền ẩm thực phong phú và hấp dẫn.
Ngày nay, người ta dễ dàng tìm thấy ở TP Hồ Chí Minh vô số đặc sản Bắc, Trung, Nam hay quốc tế, theo đúng nguyên bản cũng có, nhưng phổ biến hơn vẫn là những món đã được "Sài Gòn hóa" để hương vị thêm phong phú, đậm đà. Chất Sài Gòn thường thể hiện ở vị ngọt, nhiều rau xanh. Chẳng hạn như món canh chua đã kết hợp cả cái chua- mặn của miền Bắc, cái cay nồng ớt tươi của miền Trung và cái ngọt xởi lởi của miền Nam. Món bún bò Huế được "cải biên" để bớt cay, thêm ngọt, thêm béo và thêm rau. Món bò bít tết của phương Tây thì mỏng hơn, chín hơn, nhiều gia vị hơn và kèm rau sống, đồ chua nhiều hơn…
Chính vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn du khách không chỉ vì có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, công trình kiến trúc cổ mà còn bởi nền văn hoá ẩm thực mang đậm nét Nam bộ đó của mình.
Các làng nghề truyền thống cũng là một địa chỉ văn hoá, phản ánh nét độc đáo của thành phố này. Cho đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời như: nghề đúc lư đồng thờ ở Gò Vấp, thêu tranh ở một số quận trung tâm, làm hàng mã của người Hoa Chợ Lớn, xe nhang ở Bình Chánh; đan mây tre lá ở Thái Mỹ…Mỗi làng nghề đều có giá trị văn hoá và sức hấp dẫn riêng
Suối Tiên
Với sức hút từ các di tích, địa chỉ văn hoá, sự hấp dẫn của các giá trị văn hoá phi vật thể, số khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh ngay càng tăng với tốc độ cao, từ chỗ có 180.000 khách quốc tế vào năm 1990, đến nay đã có hàng triệu khách quốc tế mỗi năm, chiếm trên 50%- 70% lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Sự tăng trưởng nhanh của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và vào thành phố Hồ Chí Minh là kết quả của chính sách mở cửa và hội nhập thế giới, sự kết hợp hài hoà giữa du lịch và quảng bá văn hoá.
Thành phố 310 năm tuổi so với chiều dài lịch sử đất nước là còn rất trẻ, là còn chứa trong mình sức vươn tới, dung nạp và tìm tòi…Người xưa đã từng đi khai phá để xây dựng nên một thành phố thì con cháu ngày nay sẽ tiếp tục truyền thống để thành phố đẹp hơn, giàu hơn, văn minh hơn mà vẫn đậm đà một bản sắc dân tộc.