Đồng Nọc Nạng
Di tích Đồng Nọc Nạng là di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, di tích này nằm ở ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu ngày nay.
Di tích này là nơi diễn ra cuộc đấu tranh anh dũng của nông dân để bảo vệ ruộng đất của mình trước sự cướp bóc của bọn địa chủ cường hào dựa vào thế lực của bọn thực dân Pháp.
Đã trãi qua hơn bảy mươi năm, cánh đồng Nọc Nạng vẫn còn đọng lại khúc ca bi tráng ngày nào, sự kiện ấy đã đi vào thơ ca hò vè và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật với hình tượng người nông dân Bạc Liêu chất phác thật thà mà đầy nghĩa khí.
Chuyện bắt đầu vào năm 1927, sau nhiều thủ đoạn xảo quyệt và thâm độc hòng chiếm đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tại không xong, tên Mã Ngân (một địa chủ có tiếng ở Cà Mau) đã lừa bán cho vợ một Quan huyện là Hồ Thị Trân. Sau khi mua đất mà không lấy được đất do gia đình ông Tại phản đối kịch liệt, nên bọn chúng đã mượn thế lực thực dân Pháp đến trấn áp nhằm lấy ruộng và lúa của gia đình ông Tại. Thế là một cuộc đấu tranh của gia đình ông Tại chống lại sự trấn áp của bọn thực dân Pháp đã xảy ra đẫm máu vào ngày 17/02/1928 (nhằm ngày 29/01 âm lịch). Trong cuộc chống trả này, gia đình ông Tại mất 4 người là: Mười Chức (em ông Tại), vợ ông Mười Chức (cùng đứa con trong bụng), Năm Mẫn (em ông Tại), Sáu Nhịn (em ông Tại). Về phía bên kia thì tên Toutnier bị thương nặng (qua ngày sau thì chết) và vài tên khác bị thương. Mấy người còn lại trong gia đình ông Tại đều bị bắt và kết tội là "dậy loạn, chống công quyền, giết người".
Nhưng không vì thế mà chùn bước, gia đình ông Tại lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại… Báo chí cũng lên án mạnh mẽ. Trước dư luận của công chúng cuối cùng bên Chính quyền Pháp phải ra Nghị định trả đất cho gia đình ông Tại.
Sự kiện đồng Nọc Nạng năm 1928 là một bằng chứng, chứng minh tính đặc thù của chế độ thực dân Pháp cướp nước và bè lũ quan lại tay sai, nó cũng nói lên được tinh thần chống áp bức của người nông dân thật thà chất phác. Tuy cuộc đấu tranh của nông dân vùng Nọc Nạng là một cuộc đấu tranh tự phát nhưng cuộc đấu tranh ấy biểu hiện được đặc điểm sự đấu tranh của giai cấp nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long thời ấy, ở cuộc đấu tranh đó thể hiện được tinh thần kiên cường và nghĩa khí phóng khoáng của người nông dân Nam bộ, tinh thần đó đã góp phần hun đúc cho truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Đã trãi qua hơn bảy mươi năm, cánh đồng Nọc Nạng vẫn còn đọng lại khúc ca bi tráng ngày nào, sự kiện ấy đã đi vào thơ ca hò vè và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật với hình tượng người nông dân Bạc Liêu chất phác thật thà mà đầy nghĩa khí.